Giới Thiệu

Nguyên Tắc, Quyền, Nghĩa Vụ Cơ Cấu HTX DVNN Hòa Quang Bắc

I. Nguyên tắc tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã:

1. Tự nguyện tham gia và mở rộng kết nạp thành viên.

Cá nhân, tổ chức tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã. Hợp tác xã coi trọng lợi ích của thành viên, mở rộng kết nạp thành viên; không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo đối với mọi cá nhân tham gia.

2. Dân chủ, bình đẳng trong tổ chức, quản lý.

Thành viên chính thức của hợp tác xã được tham gia vào công việc tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã một cách dân chủ, bình đẳng, không phụ thuộc vào phần vốn góp.

3. Trách nhiệm tham gia hoạt động kinh tế của thành viên hợp tác xã :

Thành viên chính thức góp vốn khi gia nhập và được cùng kiểm soát vốn, quỹ và tài sản của hợp tác xã, được phân phối thu nhập chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ.

4. Tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước Hiến pháp và pháp luật.

5. Chú trọng giáo dục, đào tạo và thông tin.

 Hợp tác xã chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể cho thành viên, người dân, tầng lớp thanh niên; thường xuyên giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề kỹ thuật cho thành viên, người lao động; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các thành viên.

6. Tăng cường hợp tác, liên kết.

Các thành viên hợp tác, liên kết, tương trợ lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho thành viên và tập thể. Tăng cường liên kết giữa hợp tác xã với các tổ chức khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp nhà nước trong hỗ trợ liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

7. Quan tâm phát triển cộng đồng.

Hợp tác xã và thành viên quan tâm chăm lo, xây dựng cộng đồng thành viên đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và tham gia phát triển cộng đồng dân cư tại địa phương, vùng, quốc gia, quốc tế.

II. Quyền của hợp tác xã:

1. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

2. Quyết định việc tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, thuê và sử dụng lao động.

3. Được kinh doanh, sản xuất trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

4. Yêu cầu thành viên đăng ký nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ cho thành viên.

5. Cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi hoàn thành nghĩa vụ và bảo đảm lợi ích của thành viên theo quy định của Điều lệ hoặc pháp luật có liên quan.

6. Cung cấp dịch vụ, tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa vì mục tiêu chăm lo đời sống của thành viên, cộng đồng và phát triển bền vững.

7. Tham gia thực hiện chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.

8. Kết nạp mới, chấm dứt tư cách thành viên theo quy định của pháp luật về hợp tác xã.

9. Tăng, giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động.

10. Huy động vốn theo quy định của pháp luật.

11. Cho vay nội bộ theo quy định của Luật này.

12. Theo dõi riêng các khoản doanh thu, chi phí của giao dịch nội bộ và giao dịch bên ngoài.

13. Liên danh, liên kết, hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện mục tiêu hoạt động của hợp tác xã

14. Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã.

15. Thực hiện việc phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã.

16. Tham gia tổ chức đại diện của hợp tác xã.

17. Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của hợp tác xã theo quy định của pháp luật; giải quyết tranh chấp nội bộ và xử lý thành viên vi phạm theo quy định của Điều lệ.

18. Quyền khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

III. Nghĩa vụ của hợp tác xã

1. Kết nạp thành viên khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của Luật này, Điều lệ và pháp luật có liên quan.

2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên theo quy định của Luật này và Điều lệ.

3. Thực hiện thỏa thuận giữa hợp tác xã với thành viên, đáp ứng tối đa nhu cầu của thành viên đã đăng ký trước khi phục vụ khách hàng không phải là thành viên.

4. Thực hiện quy định của pháp luật về tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán, thống kê và pháp luật có liên quan.

5. Quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các quỹ của hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

6. Quản lý, sử dụng đất và tài nguyên theo quy định của pháp luật.

7. Ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và các chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật.

8. Giáo dục, đào tạo, phổ biến, bồi dưỡng cho thành viên và người lao động.

9. Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký hợp tác xã theo quy định của Luật này.

10. Thực hiện công bố thông tin cho thành viên theo quy định tại Điều 14 của Luật này và công bố thông tin theo quy định của pháp luật có liên quan.

11. Bồi thường thiệt hại do hợp tác xã gây ra cho thành viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

12. Lập, cập nhật và lưu trữ sổ đăng ký thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn.

13. Thực hiện chế độ báo cáo, cập nhật thông tin về tình hình hoạt động của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

14. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

IV. Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý hợp tác xã bao gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị và thành viên khác của Hội đồng quản trị do Hội nghị thành lập hoặc Đại hội thành viên bầu trong số thành viên chính thức.

2. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị do Điều lệ quy định nhưng tối đa là 05 năm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị theo nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị. Thành viên Hội đồng quản trị có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Việc bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị được thực hiện bằng phiếu kín.

Back to top button