Uncategorized

Nâng cao chất lượng HTX sẽ giúp nông sản tiêu thụ tốt

Đây là nội dung chính được các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và HTX trao đổi tại Diễn đàn kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản thông qua HTX được tổ chức sáng 29/12 tại Văn phòng Bộ NN-PTNT.

Chương trình được Báo Nông nghiệp Việt Nam, Văn phòng Bộ NN-PTNT, Trường Chính sách công và PTNT đồng thực hiện, hơn 150 điểm cầu trực tuyến.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu, Diễn đàn là dịp để các nhà quản lý, doanh nghiệp, HTX cùng ngồi lại với nhau, đóng góp ý kiến phát triển nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế nông nghiệp và đa sinh thái.

Ông Lê Thanh Tùng (đứng), Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Trong những năm qua, bức tranh sản xuất nông sản, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo Việt Nam có sự khởi sắc và đạt nhiều thành tựu. Sản lượng lúa gạo mà Việt Nam sản xuất đạt 40 triệu tấn, trong đó ĐBSCL là 25 triệu tấn, có nhiều dư địa để xuất khẩu.

“Tuy nhiên, ngành trồng trọt nói riêng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn nước sông Mekong đang bị hạn chế, điều này gây nhiều khó khăn hơn. Chúng ta phải thay đổi mùa vụ, giống và biện pháp canh tác.

Việc xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, trong khi đó các nước khác cũng đang chủ trương tự lực nguồn lương thực và tiến tới xuất khẩu. Do đó, việc chúng ta cần phải thay đổi lối canh tác truyền thống, giảm lượng phân bón giúp giảm thuốc BVTV, giảm giá thành và giảm lượng phát thải”, ông Tùng cho hay.

Điểm cầu tại Hà Nội do nhà báo Trần Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chủ trì.

Để làm được điều này, sự chung tay của các HTX có vai trò rất lớn trong liên kết sản xuất và thay đổi tập quán, tư duy kinh tế nông nghiệp cho bà con nông dân.

TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT đánh giá cao công tác hoạt động của các HTX trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Hiện, Việt Nam có khoảng 20.500 HTX nông nghiệp, gồm 3,8 triệu thành viên, trong đó có trên 51% HTX tốt và khá.

TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT.

“Tiềm năng sản xuất nông lâm thủy sản của chúng ta rất lớn. Do đó, để các sản phẩm được biết đến nhiều hơn và tiêu thụ tốt hơn thì cần có sự đầu tư bài bản, quản lý số và đầu tư sâu vào cơ giới hóa”, TS Trần Minh Hải bày tỏ.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Hồng Vân, Phó trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho rằng, phần lớn HTX vẫn còn những hạn chế nhất định. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX và người nông dân. Đồng thời, công cụ hỗ trợ cho HTX cũng còn hạn chế.

Diễn đàn có sự tham dự với hơn 150 điểm cầu là các doanh nghiệp, HTX trên cả nước

“Đã đến lúc chú trọng chất lượng HTX chứ không chỉ là về số lượng. Do đó, cần sự phối hợp, thay đổi phương thức để phát triển HTX gắn với các chương trình xúc tiến. Đây là con đường mà trên thế giới nước nào cũng phải đi để tiêu thụ sản phẩm, nông sản”, bà Hồng Vân mong mỏi.

Cũng tại đây, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cũng giới thiệu 66 mô hình HTX nông nghiệp điển hình trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đây là các gương HTX nông nghiệp trong cả nước đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới tư duy, cách làm, tận dụng các nguồn lực hỗ trợ để phát triển, đóng góp quan trọng vào phát triển nông nghiệp nông thôn.

Nhiều doanh nghiệp, HTX có cơ hội để quảng bá sản phẩm của mình, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Diễn đàn còn là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX có cơ hội gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác. 

Related Articles

Back to top button